Từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel – Hamas ngày 7/10/2023, nhiều dự thảo nghị quyết được trình lên Hội đồng Bảo an yêu cầu Israel và lực lượng Hamas ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và thả tất cả con tin, nhưng chưa văn bản nào được thông qua. Trong 5 thành viên thường trực, nếu bên này đề xuất thì bên kia bác bỏ và ngược lại, chưa kể các thành viên không thường trực. Đặc biệt, Mỹ luôn bác bỏ các đề xuất.
Tuy nhiên lần này, nghị quyết được thông qua gần như tuyệt đối với 14 phiếu ủng hộ và một phiếu trắng từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thông qua được nghị quyết yêu cầu các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức, dù chỉ giới hạn trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng mang tầm ảnh hưởng toàn cầu, trong bối cảnh cuộc xung đột trong hơn 5 tháng qua đã khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng, nạn đói khủng khiếp đang đe dọa người dân Palestine ở Dải Gaza.
Giải thích về việc Mỹ bỏ phiếu trắng, ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết việc bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết không thể hiện sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với tình hình ở Gaza.
Tuy nhiên, đáp lại lời giải thích của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng đây là một sự rút lui rõ ràng khỏi lập trường trước đó của Mỹ và sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực chiến tranh của Israel cũng như nỗ lực thả hơn 130 con tin vẫn bị Hamas giam giữ. Sau cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc, ông Netanyahu đã hủy chuyến thăm Washington của một phái đoàn cấp cao dự, kiến thảo luận về một kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi khoảng 1,7 triệu người Palestine đang trú ẩn. Việc hủy chuyến thăm Washington của Thủ tướng Netanyahu có thể gây ra trở ngại mới đối với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Israel thay đổi kế hoạch tấn công vào nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của người dân Palestine ở Dải Gaza.
Theo một quan chức Mỹ, hủy bỏ chuyến thăm là phản ứng thái quá của Israel. Ông Benjamin Netanyahu đã không liên lạc trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về quyết định này và người đứng đầu Nhà Trắng cũng không có kế hoạch gọi điện cho Thủ tướng Israel để thảo luận.
Phản ứng hủy chuyến thăm tới Washington của Thủ tướng Netanyahu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Israel dường như đã đi xuống mức thấp. Theo các nhà phân tích, những rạn nứt giữa Mỹ và Isarel đã bắt đầu từ lâu. Bên cạnh mâu thuẫn giữa Mỹ và Israel về kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ và kịch bản hậu chiến ở Gaza, hàng loạt các vấn đề chính trị trong nước ở cả Israel và Mỹ cũng được cho là nguyên nhân làm gia tăng sự chia rẽ giữa hai nước.
Trong thời gian gần đây, Mỹ phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ các đồng minh cũng như đối tác ở Ả Rập và châu Âu, vì đã từ chối kêu gọi ngừng bắn sớm trong cuộc chiến ở Gaza, cũng như không có hành động ngoại giao chỉ trích hành vi gây tổn hại dân thường của Israel. Ngoài áp lực từ bên ngoài, chính quyền Tổng thống Biden còn phải đối mặt với áp lực nội bộ đòi phải kiềm chế cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza. Sự bất đồng quan điểm đối với Israel đặc biệt phổ biến trong giới trẻ Mỹ. Đây là nhóm cử tri mà ông Biden cần vận động cho cuộc tranh cử vào tháng 11 tới, đặc biệt ở các “bang chiến trường” như Michigan – nơi cộng đồng Ả Rập đang tăng mạnh.
Từ khi xung đột Israel – Hamas bắt đầu nổ ra hôm 7/10/ 2023, Mỹ vẫn giữ quan điểm ủng hộ Israel có quyền đáp trả Hamas, vì cho rằng Hamas là lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, gần đây, Mỹ cho rằng Israel đã đáp trả Hamas quá mức cần thiết, gây thiệt hạt quá lớn cho dân thường ở Dải Gaza. Trong khi đó, nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay. Cử tri đã tạo sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc phải xử lý ổn thỏa hai vấn đề đối ngoại quan trọng mà cử tri Mỹ quan tâm là cuộc chiến ở Trung Đông và xung đột Nga – Ukraine.
Do đó, thái độ của Washington đối với các chính sách chiến tranh của Tel Aviv dần dần đã thay đổi. Washington đã thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi, tìm cách thuyết phục Israel hạn chế gây thương vong cho dân thường Palestine ở Dải Gaza, nhưng Israel kiên quyết từ chối.
Những đợt tấn công gần đây như giọt nước tràn ly, khiến Mỹ đã chuyển từ bỏ phiếu chống sang bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Việc Mỹ bỏ phiếu trắng không chỉ đánh dấu sự rạn nứt mà còn phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Washington trước việc Thủ tướng Netanyahu khăng khăng sẽ tiếp tục cuộc tấn công vào Rafah và dai dẳng cản trở việc vận chuyển viện trợ nhân đạo.
Ông Nancy Okail, Chủ tịch Trung tâm Chính sách Quốc tế (tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ), cho rằng, động thái của Mỹ ngày 25/3 là có ý nghĩa vì đã đưa chính sách của Mỹ đến gần hơn với lời tuyên bố ngừng xung đột. Tuy nhiên hành động này đến quá muộn và chưa đủ.
Khi xung đột Israel – Hamas chưa có dấu hiệu dừng lại, chính quyền Biden cho biết đang nghiên cứu một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột, trong đó có đề xuất thành lập một nhà nước Palestine, cùng với các biện pháp đảm bảo an ninh cho Israel, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel và các nước Ả Rập.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh Israel phải duy trì kiểm soát an ninh ở Gaza.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các đối tác liên minh cực hữu của ông về bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông đang do dự trong cuộc chiến chống lại Hamas hoặc trong việc mở rộng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Đầu tháng 3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khiển trách một quan chức hàng đầu trong nội các vì đến Washington, Mỹ, để hội đàm với các quan chức Mỹ mà chưa được phép. Ông Benny Gantz Gantz, cựu Tổng Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Bộ trưởng Quốc phòng, hiện là thành viên nội các thời chiến của Thủ tướng Netanyahu sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas. Ông Gantz cũng là ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng của Israel. Ông đã tới Washington để gặp một số quan chức Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken, trước khi đến Vương quốc Anh. Chuyến thăm Mỹ của ông Gantz được cho là nhằm tăng cường quan hệ với Washington, đảm bảo việc tiếp tục viện trợ quân sự của Mỹ và thảo luận về các sáng kiến ngoại giao khác nhau, bao gồm cả thỏa thuận con tin được đề xuất với Hamas.
Một quan chức thuộc Đảng Likud của ông Netanyahu tiết lộ chuyến đi của ông Gantz đã được lên kế hoạch mà không có sự cho phép của nhà lãnh đạo Israel. Thủ tướng Netanyahu đã có một cuộc nói chuyện cứng rắn với ông Gantz và nói rằng Israel chỉ có một thủ tướng.
Ông Khalil Jahshan, nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Palestine và là Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Ả Rập Washington DC, nói với The New Arab rằng cuộc gặp của Mỹ với Gantz là một thông điệp trực tiếp tới Thủ tướng Netanyahu.
Chuyến thăm của ông Gantz đến Mỹ mà không theo nghi thức ngoại giao thông thường đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự ngờ vực đối với sự lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu, phản ánh sự mất niềm tin đáng kể trong Chính phủ Israel.
Bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ và quốc tế, phía Israel cho biết sẽ tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi được cho là địa điểm trú ẩn của Hamas. Viễn cảnh xe tăng và quân đội tấn công Rafah đang khiến cộng đồng quốc tế lo lắng vì hiện vẫn chưa có kế hoạch di dời hơn 1,7 triệu người Palestine đang trú ẩn tại thành phố này.
Ông Ron Dermer, bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel cho biết Israel sẽ lắng nghe ý kiến của Mỹ về Rafah nhưng Israel sẽ vẫn chiếm thành phố này, dù họ có đạt được thỏa thuận hay không.
Theo giới phân tích khu vực và quốc tế, cuộc tấn công bộ binh của Israel vào Rafah, nơi trú ngụ của khoảng 1,7 triệu cư dân Gaza có thể gây ra thảm họa nhân đạo cực kỳ tồi tệ với hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, cùng nhiều hệ lụy phức tạp và khó lường khác về an ninh với toàn khu vực Trung Đông. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc của việc Israel mở cuộc tấn công bộ binh vào Rafah.
Nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn vừa được thông qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có hiệu lực trong tháng Ramadan, nghĩa là cũng chỉ còn hiệu lực được hơn hai tuần nữa. Nghị quyết này không có đầy đủ những yếu tố mang lại hòa bình, ổn định và tái thiết lâu dài cho Dải Gaza, mà chỉ có thể tạm thời cứu vãn vùng đất này khỏi cuộc đại khủng hoảng nhân đạo và nạn đói tràn lan.
Với việc Isarel theo đuổi kế hoạch tấn công vào Rafah, cùng với những bất đồng giữa Isarel và các đồng minh, hay bất đồng trong chính nội bộ Israel, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng tình hình xung đột tại Gaza có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chỉ có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn mới có thể đem lại hòa bình thực sự cho người dân Dải Gaza.